Hậu sản các mẹ cần chú ý đều gì? Điều trị ra sao?

Dù là những người lần đầu sinh con, bạn chắc cũng ít nhất 1 lần nghe nhắc đến hậu sản sau sinh. Phổ biến là vậy, nhưng thực tế không phải mẹ nào cũng biết hậu sản là gì, những nguyên nhân cũng như cách phòng tránh bệnh.

1/ Hậu sản, nhau thai không xuống

Nhau thai không xuống sau sinh

Có một số phụ nữ, tuy đã sanh đứa bé ra rồi mà cái nhau vẫn còn nằm trong bụng không ra theo, làm cho sản phụ cảm thấy khó chịu, nóng uất, đôi khi đầu cổ quay cuồng tối tăm mặt mũi. Người ta cho là “cuống nhau dị tật” nhưng đó là bởi “máu ít mà khô cạn” khiến cho cái nhau dính chặt ở trong tử cung.

Nếu ai thấy cái nhau không xuống mà vội sợ nó xung lên tim là lầm. Chỉ sợ nó không xuống thì ứ huyết sẽ làm ra bệnh “huyết vựng”, tức triệu chưng xây xẩm mặt mày, chứ không xung lên tim đâu.

Phép trị nên đại bổ khí huyết để khí sinh huyết. Huyết đủ thì nhuận hoạt, sẽ tống xuất cái nhau ra ngoài và nhờ đó ứ huyết cũng ra theo. Phương thuốc này có tên là “TỐNG BÀO THANG

Đương qui                  70g (rửa rượu)

Ích mẫu thảo               35g

Nhũ hương                 35g

Một dược                    35g

Xuyên khung              18g

Hắc kinh giới              12g

Sắc uống ngày 1 thang. Trước khi uống,  nên hòa thêm 02g chánh Xạ hương vào nước thuốc, khuấy đều rồi uống hết một lần. Uống xong trong giây lát, cái nhau ra liền. Thật là thần hiệu.

Bàn luận: Phương thuốc này dùng Khung, Qui để bổ khí huyết; Kinh giới để để dẫn huyết về kinh; dùng Ích mẫu, Nhũ hương, Một dược để trục ứ huyết mà đẩy cái nhau ra. Khi huyết mới sinh ra rồi thì huyết cũ khó đình tích lại. Hơn nữa, thanh khí đã thượng thăng thì trọc khí và huyết ứ tự nhiên giáng xuống thì còn lo gì máu ứ động lại nữa.

Tóm lại, nhau thai vốn không tự vào thai mà sống, chỉ tựa vào mẹ để nương thân. Nay cái thai ra rồi mà cái nhau còn ở lại là vì khí sức của cuống nhau vẫn còn có sinh khí, chưa đoạn lìa, thì dẫu ở đó cũng không thối nát. Nếu không thối nát thì cứ bổ khí bổ huyết tự nhiên nó sẽ trôi ra.

Lại có sản phụ sanh con đã 5-6 ngày rồi mà cái nhau vẫn nằm trong bụng, dùng hàng trăm kế vẫn không kiến hiệu, đặc biệt sức khỏe bà mẹ vẫn như thường.

Trường hợp này, dựa vào lý mà nói, nếu ứ huyết còn trong bụng thì bà mẹ ắt phải xây xẩm quay cuồng, phát sốt, run rẩy như có ma nhập. Nay bà mẹ vẫn yên ổn như thường thì rõ ràng trong bụng không còn ứ huyết, chỉ còn một mình cái nhau mà thôi. Nhưng cái nhau không ra là do thanh khí bị hãm ở dưới còn trọc khí lại ngăn cản ở trên, không giáng được.

Muốn khai thông bế tắc, “thanh thăng trọc giáng”, cần nên bổ khí để giúp thanh khí bốc lên trên. Một khi thanh khí có đường đi lên thì tự nhiên trọc khí giáng xuống, cái nhau sẽ theo ra. Phương này có tên là “GIA VỊ BỔ TRUNG ÍCH KHÍ THANG”.

Nhân sâm                   12g

Sinh Hoàng kỳ            70g

Đương qui                  18g

Bạch truật                   05 (sao hoàng thổ)

Lai bặc tử                    03 (sao, giã nát)

Sài hồ                         02g

Chích cam thảo           02g

Thăng ma                   03g

Trần bì                        02g

Sắc uống ngày 1 thang. Uống 1 thang cái nhau ra ngay.

Phương thuốc này vốn bổ khí, không phải thuốc công trục, vậy mà đẩy cái nhau ra được là tại làm sao? Bởi chẳng biết “trọc khí” không giáng xuống là vì “thanh khí” không thăng lên. Dùng thuốc thăng đề là có dụng ý “giải phóng” bế tắc cho thanh khí đi lên; đồng thời gián tiếp “dọn đường” cho trọc khí đi xuống, bất tất phải dùng tới phép công trục. Huống chi còn có Lai bặc tử để trừ trọc khí thì công hiệu càng nhanh chóng hơn.

2/ Hậu sản, khí suy chóng mặt

Hậu sản hay sinh ra những cơn đau đầu chóng mặt

Phụ nữ có người vừa sanh con xong hốt nhiên hoa mắt tối sầm, ghê sợ muốn ụa mửa, thần trí hoang mang không còn định tâm được nữa. Người ta cho là “ác huyết chạy vào tim” nhưng có ai biết do “khí lực cực hư muốn thoát”.

Phải hiểu rằng, sản phụ mới sanh thường bị mất máu nhiều, huyết hải bị cạn kiệt. Trước kia máu ở tim dùng để tưới mát cho thai nhi, nay thai ra thì máu cũng theo ra, làm cho cơ tim thiếu máu không đủ cung cấp cho não. Đây là hệ quả dẫn tới hiện tượng hoa mắt, chóng mặt, biến thành chứng “huyết vựng”.

Phép trị ắt nên đại bổ cả “Khí” và “Huyết”, trong đó chú trọng việc bổ khí, vì “bổ khí để sanh huyết” nhanh hơn là “bổ huyết để sinh huyết”. Phương thuốc này có tên là “BỔ KHÍ GIẢI VỰNG THANG”.

Nhân sâm                   35g

Sinh Hoàng kỳ            35g

Đương qui                  35g

Hắc kinh giới              12g

Thán khương              04g

Sắc uống ngày 1 thang. Uống 1 thang hết triệu chứng chóng mặt xây xẩm, uống 2 thang tâm trí yên định, uống 3 thang huyết mới sinh ra, uống 4 thang huyết đầy đủ, chứng vựng không còn tái phát.

3/ Hậu sản, ruột sa xuống

Sa tử cung, sa ruột là chứng hậu sản phổ biến

Sau khi sanh con mà sa ruột là một chứng nguy. Người ta cho là “âm đạo không đóng kín”, có ai biết là bởi “khí lực suy yếu, bị hãm ở dưới” không thu hồi lại được.

Theo lẽ thường, triệu chứng sa ruột là vì “khí hư”. Muốn kéo ruột lên thì phải dùng thuốc thăng đề hay thuốc bổ khí. Nhiều người sợ rằng sản phụ mới sanh không dám dùng thuốc bổ khí vì lo ứ huyết còn ở trong cũng đi theo lên xung vào tim nguy hiểm. Vậy thì dùng phương pháp nào đây? Thế là bế tắc!

Trong chỗ y thuật, không chỉ có suy lý mà quên cái ý của phép thăng đề. Khí hạ hãm tức là khí đã hư suy. Khí hư thì cứ cho bổ khí. Khí vượng thì sức khỏe hồi phục, thanh khí dựa vào đó mà thăng lên, còn trọc khí tự nhiên giáng xuống. Huyết ứ là thứ trọng trọc, chẳng những không lên theo mà còn trôi xuống nhanh chóng hơn nữa. Thế là một công đôi ba việc. Phương thuốc này dùng “BỔ KHÍ THĂNG TRƯỜNG THANG”.

Nhân sâm                   35g

Sinh Hoàng kỳ            35g

Đương qui                  35g (rửa rượu)

Bạch truật                   18g (sao hoàng thổ)

Xuyên khung              18g (rửa rượu)

Thăng ma                   02g

Sắc uống ngày 1 thang. Uống 1 thang ruột lên.

Bàn luận: Phương thuốc này thuần bổ khí, không nghĩ gì tới việc đưa ruột lên mà ruột vẫn kéo lên vị trí cũ. Đặc biệt, ở đây dùng vị Thăng ma rất ít, có người cho là không đủ thăng đề. Há chẳng biết Thăng mà dùng ít thì nó thăng khí, còn dùng nhiều thì nó thắng huyết. Sản phụ vừa sanh xong ắt còn ứ huyết, dùng nhiều Thăng ma thì huyết sẽ lên theo, đó mới là chuyện sai lầm lớn.

Ngoài ra, còn một phương pháp ngoại trị chứng sa ruột rất hay. Dùng 49 hạt Ty Ma Nhân, tức hạt thầu dầu tía, giã cho nát nhừ rồi nắn thành cái bánh, vạch tóc đặt thuốc vào giữ đỉnh đầu (tức chỗ huyệt Bách hội, ấn tay thấy một hơi lõm xuống). Trong chốc lát ruột sẽ kéo lên. Sau đó phải lấy thuốc ra ngay và lau rửa cho sạch chỗ đặt thuốc. Nếu để lâu sợ sinh chứng ói ra máu.

4/ Hậu sản, đau bụng dưới

Sản phụ thời kỳ hậu sản bị đau bụng dưới, trong bụng kết lại thành cục quặn đau không chịu nổi

Sản phụ sanh con xong có người đau bụng dưới, trong bụng kết lại thành cục quặn đau không chịu nổi, lấy tay ấn vào càng đau dữ. Người ta cho là chứng “Nhi chẩm thống”. tức đau chỗ đứa bé gối đầu, nhưng ai biết rằng bởi “huyết ứ tích đọng” làm đau mà người hay kêu là “đau cục máu nhà con”.

Nếu bảo rằng đau do “nhi chẩm”, nơi đứa bé gối đầu, vậy lúc đứa bé còn nằm trong bào thai tại sao nó gối lên mà không đau, nay sanh ra rồi không còn gối nữa lại đau? Lời chẩn đoán trên rõ ràng không đủ thuyết phục. Vậy thì do đâu mà đau? Vì huyết ứ không tan, kết lại thành hòn cục gây đau.

Nên biết rằng, sản phụ mà khỏe mạnh thì huyết hữu dư, có thể dùng thuốc phá huyết để trục ứ hẳn là không phương hại chi. Tuy nhiên, huyết thông thì ứ huyết mới tan, nếu không lo bổ huyết mà lo phá huyết thì em rằng không tránh khỏi sự tiêu hao sức khỏe. Chỉ bằng, trong phương pháp bổ huyết có thêm phương pháp hành huyết trục ứ, chẳng những khí huyết đầy đủ mà ứ huyết cũng nhân đó tiêu tán đi. Thật là nhất cử lưỡng tiện.

Phương thuốc này có tên là “TÁN KẾT ĐỊNH THÔNG THANG”.

Đương qui                  35g (rửa rượu)

Xuyên khung              18g (rửa rượu)

Ích mẫu thảo               12g

Mẫu đơn bì                 08g

Sơn tra phiến              12g (sao cháy)

Hắc kinh giới              08g

Nhũ hương                 04g (ép bỏ dầu)

Đào nhân                    03g (sao, giã nát)

Sắc uống ngày 1 thang. Uống 1 thang hết đau mà ứ huyết tan hết, bất tất phải uống thêm.

Bàn luận: Phương thuốc này trục huyết ứ trong phần bổ huyết, làm tiêu huyết hòn cục trong phần sinh huyết. Thần diệu ở chỗ không dùng thuốc trị đau mà tự nhiên hết đau.

Còn kẻ nào hễ thấy đau nơi vùng “nhi chẩm” rồi cho dùng ngay những vị Diên hồ, Tô mộc, Bồ hoàng, Ngũ linh chi để trục cái huyết cục đi mà không nói gì đến bổ huyết thì không thể hiểu nổi kẻ ấy học hành tới đâu.

5/ Hậu sản, băng huyết

Băng huyết hậu sản gây tình trạng mất máu cho sản phụ

Sản phụ có người sau khi sanh con chừng nửa tháng bỗng bị băng huyết, máu tuông xối xả, làm cho mặt mày thất sắc, tối tăm quay cuồng, mắt nhìn thấy những hình tướng quỉ quái ghê sợ. Người ta cho là “ác huyết xung tâm” chứ mấy ai biết đó là hậu quả do “giao hợp quá sớm”, không biết gìn giữ nơi phòng the.

Nên nhớ rằng sau khi sanh một hai tháng đầu là thời gian sản phụ còn yếu, khí huyết chưa thật sự phục hồi, những tổn thương ở tử cung chưa lành hẳn. Trong giai đoạn này mà người phụ nữ ham thích tình dục, giao hợp sớm, ắt sinh chứng băng huyết không ngừng. Đây là hậu quả chẳng những do âm đạo tử cung bị chấn động mãnh liệt mà còn di hại đến cả hai kinh Tâm Thận. Bệnh rất nguy!

Phép trị, nếu như cho thuốc chỉ sáp hay thăng đề cũng đều không thể cầm máu, cứu được sanh mạng. Chỉ nên dùng thuốc đại bổ khí huyết để phục hồi nguyên dương thì mọi việc yên ngay. Phương thuốc này có tên là “CỨU BẠI CẦU SINH THANG”.

Nhân sâm                   70g

Đương qui                  70g (rửa rượu)

Bạch truật                   70g (sao hoàng thổ)

Thục địa                     35g

Sơn thù nhục              18g (sao chín)

Hoài sơn                     18g (sao)

Sinh táo nhân              18g

Chế phụ tử                  03g

Sắc uống ngày 1 thang. Uống 1 thang tinh thần yên định, 2 thang hết quay cuồng xây xẩm, 3 thang huyết ngưng hết làm băng, uống luôn 10 thang sẽ mừng như được tái sinh.

Bàn luận: Phương thuốc này chuyên bổ khí để phục hoạt nguyên dương, dù có phi việt ra ngoài cũng phải quay về. “Dương” trở về thì “Khí” cũng trở về. Khí đầy đủ thì huyết mới sẽ sinh ra khiến cho huyết băng không có chỗ để hành nữa. Thế là chuyện cầm huyết chỉ huyết tự nhiên có hiệu nghiệm.

6/ Hậu sản, lạnh run người

Sản phụ có người sanh xong bỗng phát nóng, phát lạnh run rẩy, cổ khô, khát nước

Sản phụ có người sanh xong bỗng phát nóng, phát lạnh run rẩy, cổ khô, khát nước. Người ta cho là “sản hậu bị thương hàn” chứ có ai biết do “khí huyết đều hư”, chính khí suy không chống nổi với tà khí bên ngoài mà sinh bệnh.

Nói chung, chính khí sung mãn thì tà khí dù mạnh tới đâu cũng khó mà xâm nhập vào cơ thể gây bệnh. Hãy nhìn xem những ai thường bị cảm mạo, sổ mũi, hắt hơi, ho hen, lúc nóng lúc lạnh đều do chính khí suy cả.

Nay sản phụ vốn bị mấy máu nhiều, 8 mạch đều hư, da lông trống trải, không đủ sức để tự bảo vệ thì tà khí thừa cơ càng dễ xâm nhập, dễ bị chứng cảm mạo. Tuy nhiên, vì sức còn yếu, không thể dùng những loại thuốc phát tán được. Bởi vì cái chứng sợ lạnh nói đây là cái lạnh từ nội thân phát ra, cái nóng đây là do sức yếu sinh ra, cơn lạnh run cả tay chân cũng là bởi chân khí hư nhược mà thành.

Vậy cứ trị “nội hàn” thì “ngoại hàn” tự nhiên tiêu tán, cứ trị “nội nhiệt” thì “ngoại nhiệt” giải trừ, cứ “tráng nguyên dương” thì bệnh lạnh run người tự nhiên an định. Phương thuốc này có tên là “THẬP TOÀN ĐẠI BỔ THANG

Nhân sâm                   12g

Bạch truật                   12g (sao hoàng thổ)

Phục linh                    12g

Thục địa                     18g

Đương qui                  12g (rửa rượu)

Bạch thược                 08g (sao rượu)

Cam thảo                    04g

Xuyên khung              04 (rửa rượu)

Sinh Hoàng kỳ            04g

Nhục quế                    04g (cạo bỏ vỏ thô)

Sắc uống ngày 1 thang. Uống 1 thang bệnh khỏi hoàn toàn.

Bàn luận: Phương thuốc này chuyên bổ “hư” cho khí huyết, không nghĩ gì đến chuyện giải tỏa cái “thực” của phong tà gồm nóng, lạnh, run, sốt bên ngoài. Nghĩa là chính khí đầy đủ thì tà khí tự nhiên tiêu tan, giống như ban ngày mặt trời lên thì bóng đêm tự nhiên lui tan mất.

Còn như thấy sản phụ nóng, lạnh mà cho thuốc ngay thuốc phát tán sẽ dễ đưa tới bại vong mau chóng, phải cẩn thận lắm mới được.

7/ Hậu sản, khí huyết đều hư, không có sữa

Sữa mẹ là tinh chất do khí huyết hóa thành, không có khí và huyết thì chẳng bao giờ sinh ra sữa

Sản phụ có người sanh xong tuyệt nhiên không có một giọt sữa tiết ra cho con bú. Người ta cho là “ống mạch sữa bế tắc” chứ ai biết đó là do “khí huyết đều khô cạn”.

Sữa mẹ là tinh chất do khí huyết hóa thành, không có khí và huyết thì chẳng bao giờ sinh ra sữa. Trong hai yếu tố đó, khí được coi là quan trọng nhất vì nhờ có khí mà huyết hóa thành sữa nhanh chóng hơn. Sản phụ sau khí sanh xong ắt huyết thất thoát khá nhiều. Như vậy huyết tự hộ vệ cho mình còn chưa đủ thì lấy sức đâu để hóa ra sửa? Cho nên phải nhờ tới “chân khí” trợ lực, giúp cho huyết hành mà hóa thành sữa.

Một khi sanh đẻ mà không có sữa hãy trách cứ vào chỗ “khí suy huyết thiếu”. Khí vượng thì sữa nhiều, khí suy thì sữa ít, khí cạn kiệt thì sữa cũng tắt nguồn, đó là cái lý tất nhiên. Hà cớ gì đi tìm thuốc thông mạch sữa, như tìm tới kẻ đói để xin ăn, tới người mạt vận để vay nợ, liệu có nên chăng?

Phép trị nên bổ khí để sinh huyết, bất tất phải lo chuyện khai thiếu thông mạch sữa. Phương thuốc này có tên là “SANH NHŨ ĐƠN”.

Nhân sâm                   35g

Sinh Hoàng kỳ            35g

Đương qui                  70g (rửa rượu)

Mạch môn đông         12g (khứ tâm)

Mộc thông                  02g

Kiết cánh                    02g

Móng giò heo 02 cái.

Cách làm: Trước hết, đem 2 móng giò heo hơ trên lửa than, cạo bỏ lớp đen bên ngoài, rửa sạch, chặt thành nhiều miếng nhỏ. Bỏ tất cả nguyên liệu vào siêu hay nồi hầm, thêm nước cho ngập thuốc rồi nấu hay hầm chín, ăn cái uống nước.

Sắc uống ngày 1 thang. Uống 2 thang sữa tiết ra như suối chảy.

Bàn luận: Phương thuốc này chuyên bổ khí huyết để sinh ra sữa. Dùng Sâm, Hoàng kỳ làm quân để bổ khí; Đương qui để bổ huyết, Mạch môn, Kiết cánh nhằm khai thông Phế kinh (vì vú năm ở vùng Phổi hoạt động), móng giò heo là vật bổ dưỡng hữu hình. Thế là đầy đủ.

8/ Hậu sản tức giận, mạch sữa không thông

Tức giận làm cho bầu vú căng đau, mạch sữa bế tắc không thông

Sản phụ có người sanh con xong chợt gặp chuyện trái ý, tức bực, giận hờn, làm cho bầu vú căng đau, mạch sữa bế tắc không thông. Người ta cho là cái “hỏa ở Dương minh Vị kinh nóng quá” chứ có ai biết tại vì “Can khí uất kết” mà ra.

Vị (dạ dày) thuộc kinh Dương minh. Vị còn là “Phủ” chứa nhiều khí và nhiều huyết. Việc tiết ra sữa là do Dương minh Vị kinh đảm trách. Sản phụ sau khi sanh rồi, tuy huyết có thiếu nhưng khí chưa suy lắm, thì căn cứ vào đâu để nói mạch sữa bế tắc là Dương minh Vị hỏa gây ra? Á chẳng biết máu ở Vị Thổ phải nhờ có máu ở Can Mộc thông hòa với nhau thì mới hóa thành sữa. Nay bầu vú của sản phụ căn lên làm đau, không phải vì thiếu sữa, mà chính vì Can Mộc với Vị Thổ kết tập không hành thì dù có hóa thành sữa cũng không được. Rõ ràng là chứng “Can khí uất”.

Phép trị nên thông hòa cái khí ở Can Mộc thật nhiều để cho huyết ở Dương minh Vị được luân chuyển dễ dàng, mạch sữa tự nhiên thông, bất tất lo toan chuyện thông mạch sữa. Phương thuốc này là “THÔNG CAN SINH NHŨ THANG

Bạch thược                 18g (sao giấm)

Đương qui                  18g (rửa rượu)

Bạch truật                   18g (sao hoàng thổ)

Mạch môn đông         18 (khứ tâm)

Thục địa                     12g

Thông thảo                 04g

Sài hồ                         04g

Chích viễn chí             04g

Cam thảo                    01g

Sắc uống ngày 1 thang. Uống 1 thang mạch sữa thông, bất tất phải uống thê,. Thật là thần diệu!

9/ Hậu sản, gan yếu sa xuống

Sản phụ có người sanh trong âm hộ sa xuống một vật giống như miếng lụa đỏ, hình dáng có sừng hoặc như 2 nhánh. Người ta cho là “tử cung lòi ra” chứ không biết vật đó do “Can nuy”, nghĩa là lá gan quá yếu mà lòi ra.

Câu hỏi đặt ra: Sanh rồi làm sao có thể biến thành bệnh “dương nuy” được? Há chẳng biết trong thời gian bà mẹ mang thai mà làm lụng vất cả quá, mệt nhọc quá, lại còn hay bực tức vì những chuyện trái ý, để đến nổi Can bị suy yếu thường trực. Khi sanh con, cái thai ra thì màng mỡ của gan cũng theo huyết mà ra khỏi sản môn tới 6-7 cm.

Phép trị nên đại bổ khí huyết và gia thêm chút ít dược phẩm để thăng đề. Một khi khí huyết của gan được vượng thì tự nhiên cái màng mỡ sẽ rút vào. Phương thuốc này có tên là “THU MÔ THANG”.

Sinh Hoàng kỳ            35g

Nhân sâm                   18g

Bạch truật                   18g (sao hoàng thổ)

Bạch thược                 18g (sao rượu hơi cháy)

Đương qui                  12g (rửa rượu)

Thăng ma                   04g

Sắc uống ngày 1 thang. Uống 1 thang màng mỡ gan thu vào tức khắc.

Bàn luận: Phương thuốc này dùng vị Bạch thược, có người cho rằng dùng thế là sai vì sách nói: “Sản hậu cấm dùng Bạch thược” hàm ý bảo Bạch thược phạt mất căn nguyên sinh khí, có hại.

Riêng Sơn (chỉ tác giả) này cho là nên dùng. Phải biết rằng “Can tàng huyết” , huyết có bệnh là tại Can hư. Can hư thì càng phải dùng Bạch thược; vả lại dùng trong thuốc đại bổ thì tính chua của Bạch thược giảm đi nhiều rồi, chẳng hại gì tới khí huyết cả. Huống chi màng mỡ mà trụt xuống cần phải nhờ đến sức “toan thu” của Bạch thược để giúp cho Thăng ma thăng đề khí huyết lên nhanh chóng hơn. Vậy là không còn e dè Bạch thược nữa.

10/ Hậu sản, mạch Đái lòi ra

Sản phụ sanh, có người vừa sanh con xong thì thấy ở chỗ sản môn lòi ra một sợ dây thịt dài khoảng 5-10 cm, hễ đụng vào thì đau buốt muốn chết. Người ta cho là “bào thai sa xuống” chứ không biết do “dây mạch Đái hư yếu mà tụt ra”.

Ôi! Bình thường dây mạch Đái buộc vòng quanh rốn, nơi mạch Nhân ở đàng trước bụng và mạch Đốc ở sau long. Nếu hai mạch Nhâm Đốc cùng khỏe mạnh thì mạch Đái được bền chặt, còn như suy yếu thì mạch Đái lỏng lẻo mà trụt xuống.

Sản phụ sanh xong vốn mất nhiều máu. Máu thiếu thì lấy gì nuôi mạch Nhâm, mạch Đốc. Khi mạch Nhâm, Đốc cùng yếu thì lấy sức đâu chu toàn cho mạch Đái, do đó nhân lúc rặn để mà theo máu trụt ra ngoài sản môn.

Phép trị nên dùng thuốc bồi bổ Nhâm mạch, Đốc mạch với phương được “LƯỠNG THU THANG”.

Nhân sâm                   35g

Bạch truật                   70g (sao hoàng thổ)

Xuyên khung              105g (rửa rượu)

Thục địa                     70g

Hoài sơn                     35g (sao)

Khiếm thực                 18g (sao)

Bạch biển đậu             18g (sao, bỏ vỏ, giã nát)

Đỗ trọng                     18g (sao đen)

Sơn thù nhục              15g (sao chín)

Ba kích nhục               12g ( tẩm nước  muối sao)

Bạch quả                     10 hạt (bỏ vỏ, giã nát)

Sắc uống ngày 1 thang. Uống 1 thang, sợi dây thịt rút vô phân nữa. Uống 2 thang thu vào toàn bộ.

Bàn luận: Phương thuốc này chuyên bồi bổ cho mạch Nhâm, mạch Đốc và còn bồi bổ luôn cho lưng, rốn. Nếu chỉ lo cho Nhâm, Đốc mà quên bổ lưng, rốn thì mạch Đái không dựa vào đâu để mà thăng đề. Thế là cả 3 mạch đều mạnh như nhau, sợ gì cái chuyện sa ruột, sa dây chằng.

Chăm sóc sức khỏe mẹ sau sinh nếu không đúng cách, mẹ có nguy cơ phải đối diện với nhiều vấn đề sức khỏe, đồng thời có thể dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực đến con. Lưu ý những điều trên đây để đảm bảo cho cả mẹ và con, các mẹ nhé!

Theo HoaDaVietNam

Nếu có bất kỳ thắc mắc gì về sức khỏe, hãy gọi ngay tới Hotline tư vấn của Trí Tín

 
Chat hỗ trợ
Chat ngay