Làm sao để giúp đỡ gia đình?

Câu hỏi: 

Con là đứa trẻ cuối cùng của dòng họ, và vì vậy con mang trong mình rất nhiều khổ đau của dòng họ, tổ tiên. Nhưng con cũng may mắn vì có đủ nhân duyên gặp được chánh pháp và không phải vật lộn để mưu sinh, cho nên con có cơ hội để tu tập.

Giờ đây con có thể thấy rất rõ những khối khổ đau chồng chất trong gia đình con được hình thành như thế nào từ thế hệ này sang thế hệ khác, trải qua bao biến động của lịch sử.

Thế hệ ba mẹ của con sau khi thoát khỏi chiến tranh đã trở nên hoàn toàn mất trí và thực sự hủy hoại chính mình.

Vì vậy con đang cố gắng chia sẻ với các anh chị trong gia đình để mọi người có thể vơi nhẹ nỗi khổ đau giống như con. Nhưng đối với một vài anh chị của con thì trái tim họ dường như đã bị đông cứng. Họ có nhiều giận hờn và tuyệt vọng.

Mặc dù con có hiểu biết chút ít về pháp môn tu học nhưng con biết là con vẫn chưa đủ vững chãi trong một số hoàn cảnh nhất định. Con không biết phải làm gì để giúp gia đình của mình. Con rất lo lắng, bởi vì con đã thấy một vài người thuộc thế hệ ba mẹ của con sau khi thoát khỏi chiến tranh đã trở nên hoàn toàn mất trí và thực sự hủy hoại chính mình.

Con cần phải làm gì để giúp họ?

Thầy: 

Khổ đau đang lan tràn khắp nơi. Có những người trong chúng tôi đã ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam với đầy thương tích.

Chúng tôi đã chứng kiến cha, mẹ, anh chị em của mình bị sát hại, bị tiêu diệt hoặc bị tàn phế trong cuộc chiến tranh.

Chúng tôi cũng đã chứng kiến biết bao người bị giam cầm và tra tấn dã man trong cuộc chiến đó.

căn bệnh nhiều hơn

Khổ đau đang lan tràn khắp nơi.

Những ý thức hệ và vũ khí nước ngoài từ khắp nơi trên thế giới đã được đưa vào đất nước để tiêu diệt, để giết hại người dân chúng tôi. Chúng tôi đã bị đẩy vào tình cảnh đó trong một thời gian rất dài.

Vì vậy mà mỗi người trong chúng tôi, mỗi người Việt Nam lớn lên sau chiến tranh đều mang trong mình nỗi đau và vết thương chiến tranh của thế hệ đi trước.

Sau bốn mươi năm bị lưu vong, tôi đã có thể về lại quê hương một vài lần để tổ chức những khóa tu giúp hàn gắn, chữa trị những vết thương chiến tranh trong lòng người và trong những thế hệ sinh ra sau chiến tranh.

Tôi đã cố gắng làm hết sức mình, nhưng tôi làm với tư cách một Tăng thân chứ không phải là với tư cách cá nhân. Tôi đã trở về Việt Nam không phải một mình mà là cùng với một Tăng thân. 300 thiền sinh đã về Việt Nam cùng tôi lần đầu tiên sau 40 năm xa quê hương.

Đó là vào năm 2005.

Sự thực tập của chúng tôi khi đó rất vững chãi.

Cứ thử tưởng tượng khách sạn tại Hà Nội nơi đoàn chúng tôi ở luôn có công an mật theo dõi bởi vì họ sợ chúng tôi. Chúng tôi đi đâu họ cũng đi theo, họ muốn biết chúng tôi làm gì, nói gì với người dân. Họ bị buộc phải cho phép tôi trở về nước, nhưng họ cũng sợ là tôi có thể nói hoặc kêu gọi người dân Việt Nam lên tiếng chống lại họ.

Khi đó, hàng trăm người trong đoàn đã thực tập rất vững chãi. Cách chúng tôi đi, cách chúng tôi thở, cách chúng tôi ăn sáng, cách chúng tôi tiếp xử với nhân viên phục vụ ở khách sạn cũng như những người đến với chúng tôi, trong đó có cả công an mật, cũng đều thể hiện sự vững chãi đó.

Sự thực tập của chúng tôi khi đó rất vững chãi.

Khách sạn nơi đoàn chúng tôi ở đã trở thành một trung tâm tu học với năng lượng chánh niệm, bình an và tình huynh đệ. Mọi người ở đó đều rất ấn tượng với sự thực tập của tăng đoàn.

Có một lần, chúng tôi đi thiền hành quanh hồ Hoàn Kiếm và đó là lần đầu tiên người dân thủ đô được nhìn thấy một đoàn người rất đông đang bước những bước chân thật bình an, khuôn mặt ai cũng ánh lên niềm vui và hạnh phúc.

Mọi người có mặt hôm đó đã rất ngạc nhiên và xúc động. Hình ảnh của tăng đoàn đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người dân thủ đô.

Họ đã được nhìn thấy những người xuất gia cũng như các thiền sinh tu tập rất vững chãi, và trong chuyến về Việt Nam năm đó, chúng tôi đã có cơ hội chia sẻ các pháp môn tu học với rất nhiều người dân trong nước thông qua các buổi pháp thoại công cộng và qua các khóa tu.

Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức các lễ trai đàn chẩn tế để cầu nguyện cho hàng triệu người đã chết trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Hàng ngàn người đã đến tham dự và cầu nguyện cùng chúng tôi.

Tất cả chúng tôi đều tự hứa với chính mình rằng chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận một cuộc chiến tranh ý thức hệ như trong quá khứ, không sử dụng những ý thức hệ và vũ khí nước ngoài để giết hại lẫn nhau. Đó là điều chúng tôi đã làm được.

Chúng tôi đã dùng sự tu tập của mình để giúp đất nước chữa lành những thương tích nặng nề của chiến tranh.

Vì vậy câu trả lời của tôi là: để có thể thành công trong việc giúp người khác bớt khổ, chúng ta phải làm với một tăng thân. Chúng ta phải thực tập cùng với một tăng thân thì chúng ta mới đủ mạnh để có thể xử lý được khổ đau. 

Để giúp người khác bớt khổ, chúng ta phải làm với một tăng thân

Rác thì có rất nhiều, và bởi vì nhiều người trong chúng ta chưa biết cách chuyển hóa rác thành hoa, chưa biết cách tận dụng khổ đau để chế tác bình an và trị liệu, cho nên chúng ta cần có một tăng thân để yểm trợ.

Khi chúng ta thực tập một mình thì chỉ cần chuyển hóa được tự thân thôi cũng đã đủ khó rồi, huống hồ là giúp người khác chuyển hóa. Đó là lý do vì sao chúng ta cần phải xây dựng tăng thân và gắn bó cùng với tăng thân.

Nếu không có tăng thân, chúng ta không thể làm được gì nhiều trong việc chuyển hóa và trị liệu. Nếu không có tăng thân thì ngay cả Bụt cũng không thể làm được gì nhiều.

Chính vì vậy mà ngay sau khi thành đạo, điều đầu tiên mà Bụt nghĩ đến là đi tìm điều kiện để xây dựng tăng thân.

Mình cũng phải làm như Bụt. Tôi ý thức rất rõ về điều này. Tôi biết rằng nếu tôi về nước một mình thì tôi sẽ không thể làm được gì.

Vì vậy tôi đã đặt điều kiện rằng: tôi chỉ về lại Việt Nam nếu Chính phủ Việt Nam cho phép tôi trở về cùng với Tăng thân. Nếu có Tăng thân, chúng ta sẽ có năng lượng tập thể hùng hậu đủ để chăm sóc và chuyển hóa khổ đau trong chúng ta.

(Trích buổi vấn đáp với Thầy Làng Mai ngày 24/7/2012 tại xóm Thượng, trong khóa tu mùa hè được chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Anh)

Nguồn LangMai.org

>>> Xem thêm: Thiền hành

Chat hỗ trợ
Chat ngay