Ăn cơm chánh niệm

Lễ ăn bánh thánh là một thực tập chánh niệm. Khi Chúa Ki-tô bẻ bánh mì và chia cho các đệ tử, Ngài nói: “Này, các con ăn đi, đó là xương thịt và máu huyết của ta đó”. Ngày biết là nếu các đệ tử của ngày ăn miếng bánh một cách tỉnh thức thì họ mới thực sự đang sống. Hàng ngày họ có thể ăn bánh mì trong thất niệm, do đó miếng bánh mì không có thật, nó chỉ là một bóng ma.

Hàng ngày chúng ta thấy biết bao nhiêu người quanh ta, nhưng nếu ta không có chánh niệm, ta thấy họ như những bóng ma, không phải những con người thật, và chính tự thân chúng ta cũng là những bóng ma.

Khi có chánh niệm, ta là một con người thật, nhờ vậy ta mới thấy được những con người thật chung quanh ta, thấy được sự sống với muôn cái đẹp và giàu sang của nó. Thực tập ăn bánh mì, ăn trái quýt hay ăn cái bánh in trong chánh niệm thì cũng giống nhau.

Cùng nhau thực tập thở, thở vào, tâm tĩnh lặng, thở ra, miệng mỉm cười

Khi ta thở có chánh niệm, khi ta đưa cái nhìn quán chiếu sâu sắc vào thức ăn thì đời sống có mặt ngay trong lúc ấy. Cho nên đối với tôi, lễ ăn bánh thánh là một phép thực tập chánh niệm rất tuyệt diệu. Chúa Ki-tô đã muốn đánh thức các đệ tử của ngày bằng tiếng ngầm sư tử ấy.

Cách đây vài năm, tôi có hỏi một vài em nhỏ ở Hoa Kỳ: “Tại sao chúng ta ăn sáng?” Một em trai đáp: “Để ta có đủ sức trong ngày. Một em khác nói:”Ăn sáng là để ăn sáng”. Tôi khen em thứ hai. Mục đích của ăn là ăn mà thôi.

Ăn cơm trong chánh niệm là thực tập quan trọng. Chúng ta tắt máy truyền hình, để tờ báo xuống và cùng nhau chuẩn bị cho bữa ăn trong vòng năm hoặc mười phút. Năm hoặc mười phút này làm cho chúng ta có nhiều hạnh phúc. Chúng ta đặt bàn, thu dọn nhà bếp cho đỡ bề bộn hơn. Khi thức ăn đã được đặt lên bàn và mọi người đã vào chỗ ngồi, chúng ta cùng nhau thực tập thở, thở vào, tâm tĩnh lặng, thở ra, miệng mỉm cười. Thở ba lần, sau ba lần thở như vậy, chúng ta cảm thấy khỏe khoắn nhẹ nhàng hơn.

Sau đó, chúng ta nhìn nhau, mỗi người vẫn theo dõi hơi thở để thực tập tiếp xúc với chính mình và mọi người quanh bàn. Chúng ta không cần phải có hai tiếng đồng hồ mới nhìn thấy được người kia. Nếu tâm ta tĩnh lặng, ta chỉ cần hai giây để nhìn thấy rõ mọi người. Như vậy, một gia đình năm người, ta chỉ mất năm, mười giây để mọi người thực tập nhìn thấy nhau.

Sau khi thở xong, chúng ta nhìn nhau mỉm cười. Được ngồi ăn chung với nhau trong một bàn, chúng ta có dịp tặng nhau một nụ cười chân thật, đầy hiểu biết. Việc này rất đơn giản mà ít ai chịu làm.

Sau khi thở xong, chúng ta nhìn nhau mỉm cười

Đối với tôi, đây là một phép thực tập rất quan trọng. Cùng thở và mỉm cười với nhau là một điều rất quan trọng. Trong một nhà mà mọi người không biết nhìn nhau mỉm cười thì tình trạng đáng trở nên lo ngại lắm.

Sau khi đã thở và mỉm cười, chúng ta nhìn xuống các đĩa thức ăn, chúng ta nhìn sâu để thấy sự liên hệ giữa ta và trái đất. Cần một cọng rau hay một miếng đậu hủ là thấy mình cần cả đất trời; cả vũ trụ đều góp mặt nuôi dưỡng chúng ta. Cho nên để một giây quán chiếu thức ăn trước khi ăn và ăn trong chánh niệm đem đến cho ta rất nhiều hạnh phúc.

Có cơ hội được ngồi chung với gia đình và bạn bè, được thưởng thức những món ăn ngon là một điều quý báu, không phải ai cũng có được. Có bao nhiêu người đang chết đói khắp nơi trên thế giới. Khi tôi nâng một bát cơm hay cầm một miếng bánh mì trong tay, tôi biết tôi là người có may mắn, và tôi cảm thương cho những ai không có gì để ăn hay không có gia đình, bạn bè. Đây là một phép thực tập rất sâu sắc. Chúng ta không cần phải đến chùa hay nhà thờ mới thực tập được điều này, chúng ta có thể thực tập ngay tại bàn ăn. Chúng ta ăn cơm trong chánh niệm là làm phát triển hạt giống hiểu và thương trong ta, nó thúc đẩy ta tìm mọi cách để giúp đỡ những người đói kém, cô độc.

Muốn ăn có chánh niệm, lâu lâu chúng ta phải ăn cơm im lặng. Lần đầu tiên ăn cơm im lặng, có thể ta thấy không được thoải mái, nhưng một khi quen ăn cơm im lặng rồi ta sẽ thấy có nhiều an lạc hạnh phúc lắm. Chúng ta tắt máy truyền hình cũng như chúng ta ngừng nói chuyện là để thưởng thức trọn vẹn thức ăn và sự hiện diện của những người thân xung quanh.

Tôi không khuyên bạn ngày nào cũng ăn cơm im lặng. Nói chuyện với nhau trong chánh niệm cũng là một điều lý thú lắm. Chúng ta không nên nói chuyện về những đề tài có thể gây chia rẽ, ví dụ nói về khuyết điểm của một người nào đó. Nếu trong suốt bữa ăn ta chỉ mải mê nói về những chuyện như vậy thì những món ăn được chuẩn bị kỹ càng sẽ mất hết hương vị. Trái lại nếu chúng ta nói về những điều làm chúng ta ý thức hơn về những món chính đang ăn và về sự có mặt của những người thân xung quanh thì chúng ta đang nuôi dưỡng hạnh phúc. Thứ hạnh phúc làm cho chúng ta lớn mạnh.

Cho nên khi ăn được một món ngon mà chúng ta rất thích, ta cũng để ý quan sát xem người khác có thích như ta không. Nếu có người ăn không chánh niệm, ta cũng có thể giúp họ thấy được tấm lòng của người nấu, để họ biết tán thưởng tấm lòng đó. Nếu có người trong khi ăn có vẻ ưu tư lo nghĩ, thay vì để ý thưởng thức những món ăn ngon trên bàn, ta có thể nói với họ: “Món này ngon chứ phải không anh?” để kéo họ ra khỏi những lo nghĩ, đưa họ trở về thực tại nơi có món ăn ngon và có sự hiện diện ngọt ngào của bạn. Bạn làm như vậy là bạn trở thành một vị Bồ tát rồi đó, bởi vì bạn giúp người khác tỉnh thức, đưa họ ra khỏi cơn mê. Trẻ em rất thông minh, chúng học chánh niệm rất mau và nhiều khi giúp cả cho những người lớn tỉnh thức.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh

>>> Xem ngay: Căn bệnh “nhiều hơn” – Nhiều hơn không phải lúc nào cũng tốt hơn

 
Chat hỗ trợ
Chat ngay