Tinh thần bất nhị

Khi muốn hiểu một điều gì, ta không thể đứng ngoài và quan sát nó. Ta phải đi sâu và hòa nhập làm một với nó, ta mới có thể hiểu được. Khi muốn hiểu một người, ta phải ở trong da thịt họ, đau nỗi đau của họ và vui niềm vui của họ.

Động từ hiểu tiếng Pháp gọi là comprendre, com có nghĩa cùng với và prendre có nghĩa là nắm lấy. Comprendre là nắm lấy vật đó và nhập làm một với nó. Không có cách nào khác hơn. Nhà Phật gọi đó là không hai, bất nhị.

Nhìn hình của em bé, lòng tôi tràn đầy thương cảm và tôi trở thành em bé đó lúc nào không hay
và cả hai chúng tôi cùng nhau dịch tờ đơn.

Cách đây mười lăm năm, tôi giúp một số bạn lo phụ trách các trẻ em mồ côi ở Việt Nam. Các tác viên xã hội ở Việt Nam gửi hình của các em qua, ghi tên tuổi, năm sinh và hoàn cảnh của mỗi em. Công việc của tôi là dịch những tờ đơn này ra tiếng Pháp để tìm người bảo trợ cho các em. Người bảo trợ sẽ gửi cho gia đình các em một số tiền để các em có tiền ăn và đi học. Chúng tôi có hàng chục người tình nguyện dịch những tờ đơn đó ra tiếng nước ngoài.

Mỗi ngày tôi dịch khoảng ba mươi tờ đơn. Trước hết tôi không đọc tờ đơn ngay mà để thời gian ngắm hình của em bé. Chỉ chừng ba mươi giây là tôi trở thành em bé. Rồi tôi cầm bút lên và dịch tờ đơn qua một tờ giấy khác. Sau đó tôi mới nhận thấy là không phải tôi dịch tờ đơn mà chính em bé và tôi cùng làm công việc đó. Nhìn hình của em bé, lòng tôi tràn đầy thương cảm và tôi trở thành em bé đó lúc nào không hay và cả hai chúng tôi cùng nhau dịch tờ đơn. Điều đó rất tự nhiên. Ta không cần phải thiền tập lâu năm mới có thể làm được việc đó. Ta chỉ cần nhìn cho kỹ, làm cho con người của ta có mặt đích thực, thì em bé liền có mặt trong ta và ta có mặt trong em bé.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh

>>> Xem thêm: Vững chãi thảnh thơi

 
Chat hỗ trợ
Chat ngay