Trường hợp nào cần phẫu thuật cột sống cổ?

Câu hỏi bạn đọc gửi đến cho chúng tôi: “Trường hợp nào cần phẫu thuật cột sống cổ?”

Tôi năm nay 45 tuổi, gần đây cảm thấy cổ thường bị cứng, khó cử động, đôi khi có thêm những cơn đau nhức ở cả vùng cổ và 2 bên bả vai. Sau khi đi khám và tiến hành chụp MRI, các bác sỹ kết luận tôi bị thoái hoá cột sống cổ. Cụ thể: Đĩa đệm trung tâm bị thoát vị tầng C3-4, chèn ép vào mặt trước nhu mô tủy và phần khoang dưới nhện, rễ thần kinh hai bên không bị ảnh hưởng; Lồi đĩa đệm trung tâm tại tầng C5-6, gây chèn ép mặt trước tủy, rễ C6 hai bên không bị chèn ép; Không phát hiện thấy thương tổn ở vùng tủy cổ.

Các bác sỹ khuyên tôi nên sớm phẫu thuật cột sống cổ. Tuy nhiên, tôi lại đang rất hoang mang vì từ xưa đến nay, tôi chưa từng phải đối mặt với ca mổ lớn lần nào. Xin hãy cho tôi lời khuyên tôi có nên phẫu thuật cột sống cổ hay không? Và nếu có thì thì bệnh viện nào ở Sài Gòn có chuyên môn cao và có thể thực hiện tốt nhất trong trường hợp bệnh của tôi. Tôi rất cám ơn HoaDaVietNam. (Vương Nguyễn)

phẫu thuật cột sống cổ

Hình ảnh minh hoạ triệu chứng đau vùng vai và cổ

Với những thông tin mà anh cung cấp, chúng tôi xin được trả lời như sau:

Nếu chỉ dựa trên kết quả từ máy chụp cộng hưởng từ (MRI) thì thật khó để chẩn đoán chính xác nhất về căn bệnh mà anh đang gặp phải. Hơn thế nữa, chúng tôi cũng không thật rõ hiện tại cơn đau của anh đã tiến triển đến mức độ nào, chỉ là đôi khi xuất hiện hay đã chuyển biến lên đau nhức nặng hơn? Trước đây, anh đã được điều trị bằng phương pháp nội khoa và hướng dẫn tập vật lí trị liệu hay chưa?

Theo quan điểm chúng tôi, nếu anh chỉ mới bị thoái hoá cột sống cổ và những biểu hiện đau nhức chưa xảy ra thường xuyên và đến mức dữ dội thì chưa cần phải thực hiện phẫu thuật. Chúng tôi sẽ trình bày thêm các chỉ định mổ đau cột sống cổ để anh nắm rõ hơn và đưa ra quyết định chính xác nhất:

– Phẫu thuật cột sống cổ nhằm mục đích làm giảm các cơn đau đã ở mức độ nặng, cột sống mất vững và giảm sự chèn ép của các gai xương lên các rễ thần kinh và tuỷ sống.

Đối với trường hợp đau cổ: Thất bại trong việc điều trị bằng các liệu pháp nội khoa cũng chưa nhất thiết là phải chỉ định phẫu thuật nếu người bệnh chỉ bị đau cổ đơn thuần vì kết quả sau phẫu thuật không có gì đảm bảo.

Thoát vị đĩa đệm cổ: Đây là trường hợp sẽ được chỉ định mổ khi quá trình điều trị nội khoa đã mất tác dụng. Bệnh nhân có các triệu chứng đau cổ thường xuyên, gặp rối loạn chức năng hai chi dưới, cơn đau đã lan sang cả cánh tay hoặc có cả 3 triệu chứng kể trên.

Chèn ép tủy cổ mức độ nặng: Biến chứng này thường rất ít khi xảy ra nhưng lại thuộc vào loại biến chứng nặng nhất. Dấu hiệu nhận biết đó là khả năng vận động của tay và chân dần trở nên suy yếu, tiêu tiểu không thể kiểm soát, rối loạn trong sinh hoạt tình dục. Trường hợp này sẽ được chỉ định mổ để loại bỏ chèn ép.

phẫu thuật cột sống cổ

Tổn thương thần kinh: Người bệnh thông thường sẽ cảm thấy các cơn đau bắt đầu ở cổ và từ từ lan xuống phần bả vai rồi đến cánh tay và thậm chí là cả ở ngón trỏ và ngón giữa, cộng thêm hiện tượng giảm phản xạ gân xương của gân nhị đầu và gân cơ cánh tay. Nếu sau khi được điều trị bằng thuốc mà các triệu chứng trên không cho thấy sự cải thiện mà còn có biểu hiện chuyển biến nặng hơn thì khi đó, các bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá lại mức độ thoát vị của nhân đĩa đệm dựa trên những hình ảnh chụp MRI hay CT mới nhất để quyết định bệnh nhân có cần phẫu thuật hay không.

Mặc dù vậy, quyết định cuối cùng vẫn phụ thuộc vào người bệnh. Người bệnh cần phải tham vấn từ các chuyên gia để hiểu được phẫu thuật cột sống cổ có thể giúp gì cho mình, có đúng với mong muốn trước khi thực hiện phẫu thuật hay không? Ngoài ra, các yếu tố khác như điều kiện kinh tế, tâm thần kinh của bệnh nhân có sẵn sàng cho ca mổ? Cần phải lưu ý rằng những người có đã từng bị chấn thương do tai nạn, té ngã xe, các chấn thương do công việc …có khả năng hồi phục kém nhất.

Ở Sài Gòn, anh có thể đến 2 bệnh viện lớn chuyên về điều trị bệnh xương khớp đó là Trung tâm chấn thương chỉnh hình Tp.HCM hoặc Khoa Ngoại thần kinh bệnh viện Chợ Rẫy.

Hy vọng những chia sẻ trên đây có thể phần nào giúp anh có được sự lựa chọn đúng đắn nhất cho mình và cuối cùng chúc anh mau chóng khỏi bệnh để trở lại sinh hoạt – làm việc bình thường!

Có Thể Bạn Quan Tâm

 
Chat hỗ trợ
Chat ngay